Tự động chăm sóc sức khoẻ trong thời đại 4.0

Tự động chăm sóc sức khoẻ trong thời đại 4.0

Nhờ những tiến bộ kỹ thuật phát triển theo tốc độ chóng mặt, ngành y tế đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. 

Dưới đây là 8 xu hướng trong chăm sóc sức khỏe và công nghệ đang sử dụng những công nghệ có tốc độ phát triển theo cấp số nhân nhằm tối ưu hóa tiềm năng ứng dụng:

1. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp chẩn đoán bệnh

Các nhà khoa học tại London Institute of Medical Services đã tạo ra một hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong thiết bị có khả năng phân tích kết quả xét nghiệm máu, hồ sơ bệnh án và kết quả siêu âm 3D tim để chẩn đoán nguy cơ suy tim (HF- heart failure). Sau khi phân tích xong, thiết bị này sẽ dự đoán khả năng kéo dài cuộc sống của người bệnh với độ chính xác 80%; so với tỷ lệ chẩn đoán chính xác của bác sĩ trung bình vào khoảng 60%.
Nhờ các nhà khoa học hiểu biết sâu hơn về trí tuệ nhân tạo và được phép tham khảo nhiều hồ sơ bệnh án hơn, chúng ta có thể nhìn thấy những tiến bộ đáng kể trong việc chẩn đoán cũng như tăng cường tỷ lệ chẩn đoán đúng.

2. Tái tạo bộ phận cơ thể con người

Các nhà nghiên cứu tại London đã có thể kích thích việc tự sửa chữa (self-repair) các lỗ hổng lớn trên răng nhờ khả năng biệt hóa các tế bào gốc từ tủy răng. Sử dụng một lượng nhỏ thuốc điều trị Alzheimer và một miếng xốp collagen, các nhà khoa học có thể tái tạo ngà răng mới (thành phần cấu tạo của răng) trong khoảng thời gian 2 tuần.
Công ty công nghệ sinh học RenovaCare, tại New York đã triển khai thử nghiệm công nghệ điều trị bỏng bằng cách phân tán các tế bào gốc không bị tổn thương của chính người bệnh vào dung môi thân nước rồi phun lên vùng da bị bỏng để kích thích tái tạo da mới. Phương pháp này giúp cho các bác sĩ xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn trong điều trị bỏng.
Những tiến bộ trong nghiên cứu tế bào gốc một khi kết hợp với kỹ thuật chỉnh sửa gen, kỹ thuật phân tích dữ liệu và trí thông minh nhân tạo, sẽ cho phép chúng làm việc hiệu quả hơn đặc biệt trong việc kích thích tái tạo các bộ phận trên cơ thể người.

3. Tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society) công bố số người chết do ung thư tại nước này đã giảm đi 25% so với năm 1991. Mặc dù nhiều thói quen thiếu lành mạnh trong cuộc sống như tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm đáng kể, nhưng các tiến bộ trong công nghệ chẩn đoán và điều trị ung thư đã giúp các bác sĩ phát hiện và điều trị ung thư ngay từ giai đoạn sớm. Điều này thực sự mang lại kết quả khả quan hơn cho người bệnh.

Microsoft đã ra mắt một dự án đầy tham vọng “điều trị ung thư” trong 10 năm kết hợp các lĩnh vực khoa học kỹ thuật như sinh học,kĩ thuật y sinh học và khoa học máy tính để reprogram (tạm dịch tái lập trình) lại các tế bào ung thư.

4. Chẩn đoán tình trạng sức khỏe nhanh hơn và dễ dàng hơn

Các nhà khoa học tại Israel đã chế tạo một thiết bị có khả năng chẩn đoán 17 loại bệnh khác nhau chỉ qua hơi thở. Sử dụng trí tuệ nhân tạo, thiết bị này được lập trình sẵn để phát hiện những biểu hiện đặc hiệu của mỗi bệnh bao gồm bệnh ung thư và các bệnh lý thần kinh thông qua các hợp chất dễ bay hơi trong hơi thở người bệnh.
Hiện nay các nhà khoa học vẫn tiếp tục kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau ví dụ như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật vật liệu và công nghệ nano. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi những cải tiến vượt bậc giúp việc chẩn đoán bệnh kịp thời và chính xác hơn.

5.Cung ứng những thực phẩm lành mạnh

MycoTechnology, một công ty khởi nghiệp ở bang Colorado, Hoa Kỳ đã phát triển công nghệ sử dụng các phân tử nấm không nhìn thấy trong thực phẩm có khả năng phong bế cảm nhận vị ngọt người sử dụng. Nhờ vậy, cho phép giảm lượng đường trong sản phẩm trong khi vẫn giữ được vị ngọt.
Khả năng điều vị tự nhiên không cần dùng thêm đường sẽ thay đổi ngành công nghiệp chế biến thực phẩm cũng như cách ăn uống của nhiều người Mỹ đồng thời có thể làm giảm tỷ lệ mắc phải nhiều chứng bệnh như béo phì, đái tháo đường tuýp II và bệnh tim mạch.

6. Cải tiến thiết bị y tế

Các nhà khoa học tại trường Đại học Trinity, thành phố Dublin đang sử dụng nhựa dẻo gốc silicon có tính năng đàn hồi, co giãn, tách rời (Silly Putty) kết hợp với graphene (một dạng thù hình của cacbon), để tạo ra vật liệu dẻo dẫn điện đồng thời rất nhạy cảm với áp lực. Graphene được sử dụng để chế tạo các linh kiện bán dẫn (transistor) hiệu suất cao, cảm biến và vật liệu composid,  các chuyên gia tin rằng khi kết hợp các vật liệu với nhau sẽ tạo ra những thiết bị đo được nhịp tim và huyết áp khi ta chạm vào động mạch đơn thuần.

7. Điều trị trúng đích các bệnh nhiễm khuẩn

Các nhà khoa học tại Đại học Harvard, nhóm nghiên cứu Empa và Viện Merkle Adolphe đã kết hợp nghiên cứu chế tạo ra các kháng thể phủ những hạt nano sắt gắn vào các vi khuẩn gây bệnh qua đường máu và các dịch cơ thể.
Kết hợp với nam châm và máy lọc máu, các nhà khoa học đã loại bỏ các vi khuẩn này bằng cách kéo cả kháng thể và vi khuẩn ra khỏi cơ thể.

Nỗ lực phát triển các kháng thể tổng hợp hướng vào các tế bào cụ thể, giúp các nhà nghiên cứu có hiểu biết sâu hơn về hệ miễn dịch, nhờ đó điều trị tại đích có thể trở thành hiện thực với nhiều căn bệnh: dị ứng nặng, nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn huyết) và ngay cả ung thư.

8. Cá thể hóa và tự động hóa chăm sóc sức khỏe

Mặc dù tương lai của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ nhưng đồng thời sẽ trở nên cá thể hóa hơn. Nhờ công nghệ in 3D các bác sĩ đã có thể nhanh chóng và tiết kiệm tạo ra những bản sao giống hệt các cấu trúc trên cơ thể người từ tế bào gốc của người đó. Điều này giúp các thầy thuốc cá thể hóa dễ dàng hơn trong điều trị.

Tiến bộ trong phân tích gen và tiếp cận dữ liệu sẽ giúp các bác sĩ đưa ra những phác đồ điều trị dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người bệnh, chẳng hạn như một đặc tính riêng của khối u hoặc chứng sa sút trí tuệ có liên quan đến một chức năng nhất định của não bộ.Khoa học không ngừng phát triển giúp người bệnh có thể tiếp cận nhiều công nghệ có giá cả phải chăng hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như kéo dài tuổi thọ.
Ngành y tế đang chuyển mình theo hướng dự phòng bệnh và điều trị tại đích những chứng bệnh cụ thể vì vậy cộng đồng dược cần phải thích ứng với các phương pháp điều trị thay đổi này. Mặc dù tiến bộ khoa học và công nghệ có thể làm thay đổi con đường nhận thức quanh co bấy lâu nay của con người nhưng các khuynh hướng khoa học công nghệ này sẽ dẫn tới một cộng đồng khỏe mạnh hơn.

(Tổng hợp)

Trở lại đầu trang