Các nhà khoa học từ Đại học Hoàng gia London đã phát hiện ra rằng việc sử dụng tai nghe thực tế ảo có thể giúp đối phó với sự nhạy cảm với nỗi đau, bằng cách đắm mình vào những tảng băng trôi, đại dương lạnh lẽo và những khối băng trải dài.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pain Reports, một nhóm các nhà nghiên cứu đã sử dụng video VR để giảm cường độ của cơn đau cũng như sự nhạy cảm của bệnh nhân đối với các kích thích đau.
Theo các nhà nghiên cứu, những kết quả này làm tăng thêm bằng chứng về tiềm năng của công nghệ VR giúp những bệnh nhân bị đau mạn tính.
Ngoài tác dụng gây mất tập trung, họ nghĩ rằng những bệnh nhân đắm chìm trong VR có thể kích hoạt các hệ thống chống đau sẵn có của cơ thể - làm giảm sự nhạy cảm của họ với các kích thích đau và giảm cường độ của cơn đau.
TS Sam Hughes, đến từ Phòng thí nghiệm MSk tại Đại học hoàng gia London và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Một trong những đặc điểm chính của cơn đau mạn tính là bạn tăng độ nhạy cảm với các kích thích đau. Điều này có nghĩa là các dây thần kinh của bệnh nhân liên tục 'kích thích' và nói với bộ não của họ rằng họ đang ở trong trạng thái đau đớn tăng cao.
Công việc của chúng tôi cho thấy VR có thể can thiệp vào các quá trình trong não, hệ thống não và tủy sống, được biết đến là những phần quan trọng trong hệ thống chống đau sẵn có và là công cụ trong việc điều chỉnh sự nhạy cảm với cơn đau".
Thực tế ảo đã được thử nghiệm như một phương pháp để đánh lạc hướng bệnh nhân khỏi cơn đau, với một số thành công trong các thủ thuật nha khoa nhỏ cần gây tê cục bộ. Nhưng nghiên cứu mới nhất đã xem xét liệu nó có thể hoạt động trong một mô hình mô phỏng cơn đau mạn tính hay không.
Trong thử nghiệm, 15 tình nguyện viên khỏe mạnh đã được cung cấp một loại kem bôi ngoài da có chứa capsaicin - hợp chất có trong ớt làm cho miệng bạn bị bỏng.
Chất capsaicin khiến cho da nhạy cảm hơn với các kích thích đau (một cú sốc điện rất nhỏ) và mô phỏng độ nhạy cảm tăng cao của những người bị đau mạn tính; chẳng hạn như đau thắt lưng, viêm khớp hoặc đau dây thần kinh.
Những người tham gia sau đó được yêu cầu đánh giá mức độ đau do kem capsaicin gây ra theo thang điểm từ 0-100 (từ 'không có cảm giác' đến 'đau dữ dội') trong khi xem cảnh VR khám phá Bắc cực qua tai nghe hoặc nhìn vào hình ảnh tĩnh của một cảnh Bắc cực trên màn hình.
Họ cũng được yêu cầu cho biết khi một kích thích được áp dụng trực tiếp vào vùng da nhạy cảm được coi là đau.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng cường độ cơn đau đã giảm sau khi đắm chìm vào VR và độ nhạy cảm với các kích thích đau trên da cũng giảm. Tuy nhiên, hiệu ứng tương tự không được nhìn thấy ở những người nhìn vào hình ảnh tĩnh, điều đó cho thấy sự chìm đắm vào môi trường VR là yếu tố chính.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng trong khi những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ thì nghiên cứu bị giới hạn bởi số lượng ít những người tham gia. Các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trong tương lai với bệnh nhân đau mạn tính có thể giúp xác nhận lợi ích tiềm năng của VR đối với bệnh nhân.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng VR có thể có tiềm năng điều trị cho những bệnh nhân bị đau mãn tính. Họ đề xuất rằng việc sử dụng VR có thể cung cấp một liệu pháp thay thế cho một số tình trạng đau mãn tính bằng cách cải thiện hoạt động ở các vùng não liên quan đến các hệ thống giảm đau này.
Nhóm nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch nghiên cứu thêm các phương pháp liên quan đến hiệu ứng giảm đau của VR, bao gồm cả liệu chế độ dùng thuốc có hiệu quả hay không - chẳng hạn như 30 phút, 4 lần một ngày - và liệu các hiệu ứng sẽ được tích lũy hoặc duy trì tạm thời.
TS Hughes cho biết thêm: "Mục đích của nghiên cứu này là cho thấy VR có khả năng thay đổi quá trình bệnh lý liên quan đến đau mạn tính. Sử dụng phương pháp này dường như làm giảm cường độ của cơn đau cũng như phản ứng chúng ta có trên da. Chúng tôi nghĩ rằng có thể có những thay đổi trong hệ thống giảm đau của cơ thể, điều này có thể ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của cơn đau được xử lý trong tủy sống".
Ông nói thêm: "Vẫn còn nhiều điều cần nghiên cứu, nhưng một khía cạnh thú vị trong nghiên cứu của chúng tôi là thiết kế VR chúng tôi sử dụng hoàn toàn thụ động - có nghĩa là bệnh nhân không cần sử dụng cánh tay của họ. Điều đó có nghĩa là những bệnh nhân nằm trên giường hoặc không thể cử động chân tay, nhưng bị đau mạn tính, vẫn có thể hưởng lợi từ phương pháp này".
(Tổng hợp)
VIỆN PHÁT TRIỂN Y DƯỢC CÔNG NGHỆ CAO
Địa chỉ: Số 17, ngõ 34 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: 0246 661 5056 - Email: info@medpharin.vn
Website: http://medpharin.vn/
Copyright © 2019 by Medpharin