1. Cơ sở khoa học
Y học hạt nhân (YHHN) là một chuyên ngành sử dụng các đồng vị phóng xạ (ÐVPX) hay các dược chất phóng xạ (DCPX) để chẩn đoán và điều trị bệnh. Khi chẩn đoán, điều trị phải đưa các ÐVPX hay DCPX vào trong cơ thể người bệnh bằng nhiều con đường khác nhau như đường uống, tiêm... Các chất phóng xạ này khi vào cơ thể theo dòng tuần hoàn sẽ đến từng cơ quan, tế bào người bệnh dưới dạng lỏng, khí, dịch... Với những loại bệnh cụ thể, người ta sẽ lựa chọn một loại ÐVPX hay một DCPX thích hợp để có thể tập trung chính xác vào nơi bị bệnh, tổn thương... Vì vậy, các bác sĩ, kỹ thuật viên có thể chẩn đoán sớm và chính xác bệnh lý ở một cơ quan cụ thể trong cơ thể, cũng như điều trị tập trung một tổ chức, một mô bệnh lý nào đó mà ít ảnh hưởng tới các tổ chức chung quanh. Ðây là một trong những phương pháp điều trị chọn lọc, điều trị đích, nên kết quả cao và an toàn. Các tia bức xạ này có quãng chạy, khả năng đâm xuyên trong tổ chức rất ngắn nên các tế bào ác tính cũng như tế bào bệnh sẽ bị tiêu diệt một cách rất chọn lọc, ít ảnh hưởng tới các cơ quan chung quanh. Phương pháp này rất hiệu quả trong điều trị ung thư, như ung thư di căn đa ổ, nhỏ, rải rác vào xương, phổi... Những phần phóng xạ không được hấp thụ hết sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu và phân.
Bên cạnh việc sử dụng các ÐVPX nguồn hở để chẩn đoán và điều trị, việc sử dụng các nguồn bức xạ chiếu ngoài (máy gia tốc...) cũng đang được tiến hành. Việc ứng dụng máy xạ trị gia tốc tuyến tính trong điều trị ung thư đã làm tăng đáng kể thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Chẳng hạn đối với ung thư thực quản hay các khối u ác tính ở vùng trung thất... thường có những khó khăn trong việc xạ trị vì nhiều cơ quan dễ bị ảnh hưởng bởi bức xạ khi tiến hành xạ trị. Nhiều biến chứng có thể xảy ra vì rất khó tránh các cơ quan lân cận nếu sử dụng các kỹ thuật xạ trị kinh điển như máy xạ trị Co-60... Do vậy xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính với kỹ thuật điều biến liều (IMRT) là một lựa chọn tối ưu cho nhiều bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư thực quản nói riêng.
Sử dụng hình ảnh PET/CT để làm mô phỏng trong xạ trị gia tốc với kỹ thuật điều biến liều (IMRT) sẽ giúp các thầy thuốc xác định chính xác vùng khối u có các tế bào ác tính để lập kế hoạch xạ trị được chính xác. Nhiều trường hợp hình ảnh khối u không phát hiện thấy trên CT, MRI, nhưng lại thấy rõ trên hình ảnh PET. Do vậy hiệu quả điều trị sẽ nâng cao hơn, chính xác, an toàn hơn cho người bệnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
2. Những minh chứng thành công
Bệnh nhân P.D.T, 69 tuổi (Hà Nội), bị ung thư thực quản, là một trong những người bệnh đã được điều trị thành công bằng phương pháp xạ trị trên máy gia tốc với kỹ thuật điều biến liều và đặc biệt có sử dụng hình ảnh PET/CT để làm mô phỏng trong lập kế hoạch xạ trị. Ông D.T cho biết, tháng 11-2009, ông ăn và nuốt bị nghẹn, đi khám ở nhiều bệnh viện, với nhiều chẩn đoán khác nhau: bị viêm loét thực quản, trào ngược dạ dày, chèn ép dây thần kinh... Kết quả chụp Xquang "không có u, cục". Sau nửa năm, dùng đủ các loại thuốc, nhưng bệnh tình ngày càng tăng, đến uống nước cũng bị nghẹn, ông quyết định đi nội soi và sinh thiết tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Ðại học Y Hà Nội. Kết quả, ông bị ung thư biểu mô vảy không sừng hóa. Nhiều người khuyên ông nên mổ, nhưng khi kiểm tra toàn bộ sức khỏe, các bác sĩ kết luận ông bị bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, vôi hóa mạch vành... không thể phẫu thuật và xạ trị được. Sau khi tìm hiểu kỹ tại các trung tâm, bệnh viện chuyên ngành về chữa bệnh ung thư, ông đã quyết định đến điều trị ở Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai. Ông đã điều trị bằng phương pháp xạ trị điều biến liều với liệu trình 30 mũi (6 mũi/tuần), đủ 30 mũi xạ trị, ông P.D.T đã ăn và uống gần như bình thường. Kết thúc liệu trình, ngày 21-7-2010, sau khi chụp lại PET/CT, kết quả thật bất ngờ, khối u của ông D.T đã biến mất.
Y học hạt nhân đã góp phần không nhỏ để điều trị bệnh cường giáp trạng và ba-dơ-đô bằng i-ốt phóng xạ như trường hợp bệnh nhân N.T.V.H, 28 tuổi (Hà Nội) bị bệnh ba-dơ-đô, đã được điều trị bằng i-ốt phóng xạ (I-131) tại Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi điều trị, bướu cổ của bệnh nhân V.H đã nhỏ lại mà không cần phẫu thuật. Ðây là phương pháp phẫu thuật không cần dao, sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn có thể lấy chồng và sinh đẻ bình thường. Hay trường hợp bệnh nhân L.H.M, 45 tuổi (Hưng Yên), bị bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, bệnh nhân đã dùng theo đường uống chất I-131 và chất phóng xạ này theo dòng tuần hoàn tự truy tìm đến từng tế bào ung thư tại tuyến giáp và những tế bào ung thư di căn vào phổi, não, xương... và tiêu diệt chúng một cách chọn lọc, ít ảnh hưởng tới các phần cơ quan nội tạng lành bên cạnh v.v.
3. Thách thức của một kỷ nguyên mới
Một trong những ứng dụng mới nhất hiện nay đã triển khai thành công tại Việt Nam là sử dụng hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị (3D và IMRT) trên máy gia tốc tuyến tính trong điều trị ung thư. Tất cả các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân đều được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ hay từng phần tùy theo mỗi loại kỹ thuật. Giá thu của mỗi kỹ thuật này đều theo quy định của Bộ Y tế.
Những hệ thống thiết bị hiện đại về Y học hạt nhân và xạ trị tại Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân đã giúp cho hàng nghìn người bệnh ung thư phổi, vòm họng, vú, tiền liệt tuyến, đại trực tràng, u não, u máu thể hang (cavernome), u màng não, u tuyến yên, dị dạng động tĩnh mạch trong não (AVM), u dây thần kinh số 8, số 5... được điều trị thành công. Việc sử dụng hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị (PET/CT mô phỏng) cho máy gia tốc tuyến tính với kỹ thuật 3D và xạ trị điều biến cường độ (IMRT) là đỉnh cao của kỹ thuật xạ trị với máy gia tốc tuyến tính lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam. Kỹ thuật PET/CT mô phỏng trong lập kế hoạch xạ trị đã ứng dụng thành công ở các nước phát triển như Mỹ, Ðức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Việt Nam là một trong số các nước trong khu vực châu Á thực hiện tốt kỹ thuật này.
Không chỉ ứng dụng điều trị ung thư có hiệu quả, y học hạt nhân còn mang những giá trị tích cực khi áp dụng vào chuyên khoa tim mạch. Chủ tịch Hội Tim Mạch quốc gia Việt Nam, GS Phạm Gia Khải, cho biết, y học hạt nhân ứng dụng trong chẩn đoán bệnh tim mạch ở nước ta như xạ hình tưới máu cơ tim, xạ hình chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp... đã được áp dụng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh)...
Theo GS Hoàng Ðức Kiệt, Chủ tịch Hội Ðiện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, Hội Ðiện quang và Y học hạt nhân Việt Nam được hình thành từ năm 1961 và cho đến nay cả nước đã có hơn 180 máy chụp cắt lớp vi tính (với 14 hệ thống 16-64 dãy, một hệ thống 128 dãy và sắp tới sẽ có hệ thống 320 dãy), 55 hệ thống cộng hưởng từ (với 14 hệ thống 1.5 T và một hệ thống 3.0 T), 23 hệ thống chụp mạch số hóa. Tuy nhiên, nếu so với dân số hơn 80 triệu người thì tỷ lệ các thiết bị này vẫn còn quá ít để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ðó là những thách thức đối với một kỷ nguyên mới của ngành y tế Việt Nam.
(Tổng hợp)
VIỆN PHÁT TRIỂN Y DƯỢC CÔNG NGHỆ CAO
Địa chỉ: Số 17, ngõ 34 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: 0246 661 5056 - Email: info@medpharin.vn
Website: http://medpharin.vn/
Copyright © 2019 by Medpharin