Hoá trị liệu trong ung thư dạ dày và những điều cần biết

Hoá trị liệu trong ung thư dạ dày và những điều cần biết

Hiệu quả của phương pháp hoá trị ung thư dạ dày như thế nào? Tác dụng phụ của phương pháp điều trị này ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Vai trò của hoá trị trong điều trị ung thư dạ dày

Hoá trị ung thư dạ dày là phương pháp sử dụng các loại thuốc độc tố để tiêu diệt tế bào ung thư, các loại chất này khi đi vào trong máu sẽ làm phá vỡ sự hình thành của các tế bào ung thư dạ dày.

Thông thường, với bệnh nhân ung thư dạ dày, phương pháp hóa trị thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Kết hợp trước khi phẫu thuật: Trước khi tiến hành phẫu thuật ung thư dạ dày, việc đưa hóa chất trị liệu vào trong cơ thể người bệnh ung thư nhằm làm cho các khối u nhỏ lại. Đặc biệt với trường hợp các khối u quá lớn, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp hóa trị để giúp thu nhỏ và làm chậm sự tăng trưởng của nó giúp bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ dễ dàng.
  • Sử dụng hóa trị sau khi phẫu thuật giúp ngăn nguy cơ tái phát: Sau phẫu thuật việc sử dụng hóa trị nhằm tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát trở lại.
  • Sử dụng hóa trị giúp giảm và kiểm soát các triệu chứng trong giai đoạn ung thư dạ dày tiến triển và giai đoạn cuối: Những trường hợp mắc ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp hóa trị để thu nhỏ khối u, làm khối u chậm phát triển, giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Còn với các bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn cuối, việc sử dụng hóa trị sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng, giảm đau đớn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
2. Hiệu quả của hoá trị điều trị ung thư dạ dày

Bác sĩ điều trị sẽ đánh giá hiệu quả của hóa trị trong điều trị ung thư dạ dày qua việc so sánh với mục tiêu điều trị ban đầu và tình hình hiện tại của bệnh nhân. Hiệu quả của hóa trị được sắp xếp giảm dần như sau:

  • Hóa trị đáp ứng hoàn toàn: mục tiêu điều trị đặt ra ban đầu hoàn toàn đạt được, giai đoạn sớm được điều trị triệt căn với việc loại bỏ khối u, giới hạn của chất chỉ điểm sinh học về bình thường; giai đoạn muộn thì hoàn toàn kiểm soát được các triệu chứng.
  • Hóa trị đáp ứng một phần: đạt được một phần mục tiêu đặt ra ban đầu, giai đoạn sớm kích thước khối u giảm được một phần (ít nhất 50% so với ban đầu), chất chỉ điểm sinh học giảm nếu ban đầu tăng cao; giai đoạn muộn giảm được một phần các triệu chứng.
  • Hóa trị giúp bệnh ổn định: ổn định bệnh bằng việc bệnh không bị tiến triển lên nhưng cũng không giảm đi, kích thước khối u giữ nguyên, chỉ số chất chỉ điểm sinh học cũng giữ nguyên ở giai đoạn sớm; giai đoạn muộn kiểm soát triệu chứng không tăng ồ ạt nhưng vẫn diễn ra.
  • Hóa trị nhưng bệnh vẫn tiến triển: mục tiêu điều trị ban đầu sau khi hóa trị hoàn toàn không đạt được, kích thước khối u tăng và xâm lấn, di căn thêm; tăng lượng chất chỉ điểm sinh học, triệu chứng diễn ra nhiều hơn.
3. Tác dụng phụ của hoá trị ung thư dạ dày
Hóa chất trị liệu trong ung thư dạ dày tiêu diệt các tế bào ác tính dựa vào đặc điểm chúng tăng sinh nhanh, do đó, hóa trị cũng tiêu diệt nhiều loại tế bào thường cũng có đặc điểm này trong cơ thể người bệnh gây ra các tác dụng phụ tương ứng:
  • Chán ăn: Hóa chất được truyền vào cơ thể khiến cho người bệnh bị mệt mỏi, mất đi cảm giác ngon miệng vì luôn ngửi thấy mùi thuốc trên cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, bệnh nhân ung thư dạ dày sau hóa trị nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành từ 6 – 8 bữa ăn nhỏ; không cho bệnh nhân ăn những món lặp đi lặp lại; lên sẵn thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày; ưu tiên sử dụng hoa quả tươi,…

  • Buồn nôn: Bệnh nhân ung thư dạ dày sau hóa trị nên súc miệng trước khi ăn, khi buồn nôn người bệnh có thể kẹo gừng, uống nước chanh ấm nóng, nhâm nhi các loại đồ uống, nước ép hoa quả, giữ tinh thần thoải mái, tránh ăn thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ.

  • Táo bón: Táo bón cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bệnh nhân ung thư dạ dày sau các đợt hóa trị. Do lượng nước thiếu hụt trong thời gian dài, ăn uống kém sẽ làm cho cơ thể bị táo bón. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta nên uống 1 cốc nước ấm trước khi đi vệ sinh,  ăn nhiều các loại rau củ mềm như khoai lang, khoai sọ,…, uống nhiều nước, ăn chế độ ăn nhiều chất xơ (lượng xơ khuyến cáo là 25-35g cho 1 người/ngày). Tránh xa thực phẩm cay, nóng, chiên xào. Và uống từ 8-10 ly nước mỗi ngày; nên đi bộ và vận động thường xuyên.

(Tổng hợp)
Trở lại đầu trang