Ung thư cổ tử cung đang dần trẻ hoá

Ung thư cổ tử cung đang dần trẻ hoá

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, ung thư cổ tử cung đang dần trẻ hóa, do tuổi quan hệ tình dục sớm hơn trước. 

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM cho biết, ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 40-60, nhưng thường gặp nhất với những người 50-55 tuổi. Tuy vậy, mầm mống gây bệnh là vi rút HPV có thể đã âm thầm tồn tại trong cơ thể từ hàng chục năm trước đó. Một số quốc gia ghi nhận căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, do độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của bé gái có sớm hơn 10 năm trước, dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV và ung thư ở tuổi đời còn rất trẻ.

Nếu được phát hiện từ sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn tiền ung thư là 100%. Ở giai đoạn I, tỷ lệ đạt 85-90%, giảm dần đến giai đoạn II còn 50-75%, giai đoạn III chỉ 25-40% và dưới 15% người bệnh ở giai đoạn IV còn sống sau năm năm.

Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh từng chứng kiến nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối. Việc điều trị vừa đau đớn, tốn kém mà tỷ lệ thành công thấp. Chị em có thể chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm văcxin ngừa HPV (hiện chỉ định ở độ tuổi 9-26 tuổi). Tại Việt Nam, văcxin ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2007, có hiệu quả phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18. Bên cạnh đó, văcxin còn tác dụng phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục (âm đạo, âm hộ...).

Các khuyến cáo tầm soát hiện nay áp dụng cho phụ nữ trên 21 tuổi và đã có quan hệ tình dục. Ngoài ra, khi có các triệu chứng bất thường về phụ khoa như ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục, ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh, huyết trắng kéo dài… chị em cần đến khám bác sĩ ngay.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có đến 5.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, trong đó có khoảng một nửa ca bệnh gây tử vong. Tính trung bình mỗi ngày có 14 người mắc ung thư, trong đó bảy người tử vong vì căn bệnh này. 99,7% nguyên nhân gây bệnh do vi rút HPV gây ra, nó không có triệu chứng điển hình mà nhìn vào có thể biết được. Ngay cả giai đoạn tiền ung thư cũng không có biểu hiện rõ ràng. Để phát hiện bệnh, phụ nữ nên đi khám phụ khoa đều đặn, làm các biện pháp sàng lọc, tiêm vắc xin ngừa HPV.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, trên thế giới mỗi năm hiện có trên 500.000 ca ung thư cổ tử cung mới được chẩn đoán và khoảng 250.000 ca ung tử vong do ung thư cổ tử cung. Riêng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, mỗi bốn phút lại có một phụ nữ qua đời vì căn bệnh này.

(Tổng hợp)

Trở lại đầu trang