Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% dân số thế giới đã và đang sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu và lợi nhuận thu được từ thị trường này trên toàn cầu hàng năm lên tới 60 tỷ USD.
Những sản phẩm này là sự kết hợp theo các công thức nhất định của các thành phần lấy từ bất cứ phần nào trên thảo dược (hoa, quả, lá, cành, rễ...) ở dạng tươi hoặc đã qua sơ chế, chế biến hay chiết xuất bao gồm: Acid béo, sterol, alkaloid, flavonoid, glycosid, saponin... Tuy vậy, không phải chiết xuất dược liệu nào cũng giống nhau cho dù chúng có nguồn gốc từ cùng một loại thảo dược. Điển hình như có rất nhiều chế phẩm curcumin chiết xuất từ củ nghệ trên thị trường với mức giá đa dạng do công nghệ xử lý cũng rất khác nhau. Hiệu quả phòng bệnh hay hỗ trợ điều trị bệnh cũng như độ an toàn của các chế phẩm vì thế không hoàn toàn giống nhau. Ngoài ra, chất lượng chiết xuất thảo dược bị ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu, chất lượng dung môi chiết xuất...
Qua kinh nghiệm phòng trị bệnh lâu đời của Đông y, thảo dược phải được qua sao, bào, tẩm, chế… mới đạt được các mục đích như: Làm giảm bớt chất độc (nếu có) trong thảo dược; Điều hòa lại tính năng của sản phẩm hoặc nhằm đạt một mục tiêu cụ thể nào đó trong phép chữa trị; Loại bỏ các tạp chất có hại và những bộ phận không cần thiết để làm tăng độ tinh khiết của sản phẩm; Làm cho sản phẩm dễ sử dụng và dễ bảo quản, vì hầu hết các loại thảo dược chỉ sinh trưởng có mùa. Tuy nhiên, không phải cách xử lý truyền thống nào cũng có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của ngành sản xuất thực phẩm chức năng.
Cùng với sự phát triển của y dược học hiện đại, công nghệ chiết xuất hoạt chất từ thảo dược cũng đã được nâng tầm hơn và là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của quá trình nghiên cứu thực phẩm chức năng (TPCN) nguồn gốc tự nhiên, bao gồm cả các phương pháp truyền thống và hiện đại được phối hợp: Phương pháp chiết xuất truyền thống sử dụng dung môi kết hợp với gia nhiệt và khuấy trộn như chiết lạnh hay chiết nóng; Công nghệ chiết xuất hiện đại bao gồm chiết siêu âm UAE, chiết vi sóng MAE, chiết siêu tới hạn SPE và chiết dung môi nhanh ASE… Các chiết xuất thu được thường được gọi là cao dược liệu ở các dạng cao đặc, cao lỏng, cao khô hay tinh dầu.
Nhiều phương pháp chiết xuất hiện đại đã thể hiện nhiều ưu điểm hơn các phương pháp truyền thống thông qua các tiêu chí: Hàm lượng chất mong muốn được chiết xuất cao hơn; Chiết xuất ít tạp chất; Thời gian xử lý ngắn hơn; Chi phí thấp hơn; Hiệu quả khi sử dụng sản phẩm cao hơn…
Với hơn 4.000 dược liệu có thể sử dụng trực tiếp hoặc tách chiết hoạt chất để sản xuất TPCN, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu thô và cao dược liệu từ nước ngoài. Điều đáng lo là một số nguyên liệu nhập khẩu chưa phải là nguồn nguyên liệu an toàn, đảm bảo cho sản xuất.
Việc đầu tư để nâng cao công nghệ và chất lượng chiết xuất dược liệu vì thế là đòi hỏi cấp thiết. Trên thực tế, đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua.
VIỆN PHÁT TRIỂN Y DƯỢC CÔNG NGHỆ CAO
Địa chỉ: Số 17, ngõ 34 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: 0246 661 5056 - Email: info@medpharin.vn
Website: http://medpharin.vn/
Copyright © 2019 by Medpharin